Kẹo Dừa Bến Tre: Cách Làm Tại Nhà
Kẹo dừa vốn không xa lạ với mọi mọi người đặc đặc biệt là người người dân miền Tây Nam Bộ. Với hương vị ngọt ngào kết hợp với vị béo đặc trưng của dừa khiến người thưởng thức ngất ngây, ấn tượng ngay lần đầu tiên nếm thử.
Kẹo dừa ắt hẳn là món quà biếu tặng mang đậm hương vị đồng quê Việt Nam, mà bất cứ ai cũng không thể cưỡng lại. Cùng tìm hiểu về quy trình tạo ra những viên kẹo dừa bóng bẩy mà bạn hay ăn trong bài viết sau.
Kẹo dừa Bến Tre
Kẹo dừa là một loại kẹo dân gian được chế biến từ nguyên liệu chính là cơm dừa khô và đường mạch nha. Đây là một loại kẹo đặc sản và là một nghề thủ công mang đậm chất văn hóa xứ sở miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Nổi tiếng nhất chính là Kẹo dừa Bến Tre- nơi ra đời và phát triển nghề làm kẹo dừa.
Theo các tài liệu sưu tầm, kẹo dừa có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày, người sáng tạo ra kẹo dừa là Bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1914 ở khu phố 1 thị trấn Mỏ Cày. Ban đầu người dân ở đây vẫn hay gọi là kẹo Mỏ Cày. Ngày xưa, người dân Bến Tre làm kẹo dừa để ăn trong gia đình và làm quà biếu bạn bè, người thân trong những dịp lễ, Tết.
Đến năm 1970, bà Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1945, cư ngụ tại thị xã Bến Tre, bà đã sáng tạo, đổi mới cách chế biến kẹo. Bà thành lập cơ sở sản xuất kẹo dừa là Thanh Long, cơ sở chuyên sản xuất kẹo dừa đầu tiên ở thị xã Bến Tre, và từ đó tạo ra tên kẹo dừa Bến Tre ngày nay.
Nguyên liệu làm kẹo dừa rất đơn giản gồm: nước cốt dừa, mạch nha, đường (trước đây người ta hay dùng đường thùng nhưng ngày nay dùng đường cát). Mạch nha được chắt lọc từ chất đường của hạt nếp khi được ủ cho lên mầm.
Lúc mới hình thành nghề làm kẹo dừa chỉ có vài cơ sở sản xuất nhỏ tại nhà ở khu vực chân cầu Mỏ Cày (sau này là thị trấn Mỏ Cày). Sau nhiều năm, tiếng lành đồn xa, hương vị kẹo dừa ngày càng nổi tiếng nhu cầu kẹo dừa từ đó cũng tăng theo, nghề làm kẹo dừa từ đó cũng phát triển.
Hiện nay, riêng ở tỉnh Bến Tre có hơn 180 cơ sở sản xuất kẹo dừa với sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Các làng nghề làm kẹo dừa tập trung chủ yếu tại huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và thành phố Bến Tre. Trong đó làng nghề làm kẹo dừa nổi tiếng nhất đó là làng nghề kẹo dừa ở phường 7 của thành phố Bến Tre.
Từ vòng xoay chợ Ngã Năm, đi thêm khoảng 1km để đến đường Nguyễn Văn Tư. Trên tuyến đường này, bạn sẽ bắt gặp không ít những cơ sở sản xuất kẹo dừa có tổ chức cho du khách đến Bến Tre được tham quan và trải nghiệm quy trình làm kẹo dừa truyền thống ở đây.
Có thể xem nghề làm kẹo dừa là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng cho vùng đất con người Bến Tre. Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề làm kẹo dừa ở Bến Tre đã đóng góp một phần lớn trong việc cải thiện đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh nhà từng bước đi lên.
Thuở mới ra đời, kẹo dừa chỉ có một hương vị truyền thống được sản xuất từ ba nguyên liệu: dừa, mạch nha và đường. Đến nay, tính về chủng loại kẹo dừa có đến gần 10 loại với những hương vị khác nhau. Sự khác nhau đến từ hương liệu thêm vào như kẹo sầu riêng, kẹo dừa đậu phộng, kẹo sôcôla, kẹo sữa trứng, kẹo dừa dứa ,…
Đến với mảnh đất Bến Tre, không thể bỏ qua những cơ sở sản xuất kẹo dừa, khi tham quan ở đây du khách sẽ được trải nghiệm quá trình làm ra những viên kẹo dừa. Khách hàng được tận tay thực hiện và sáng tạo như những người nghệ nhân làm kẹo thực thụ.
Tham gia vào quy trình làm kẹo dừa du khách còn cảm nhận được sự hiếu khách, nhiệt tình gần gũi đến mộc mạc của con người xứ dừa.
Trong lúc làm việc, những người thợ làm kẹo còn ngẫu hứng hò ca vài câu vọng cổ, những bài hát quen thuộc vùng Tây Nam Bộ giúp du khách phần nào cảm nhận được nét văn hóa bản sắc miệt vườn, đậm đà Miền Tây.
Cách làm kẹo dừa Bến Tre
Quy trình công nghệ sản xuất kẹo dừa ở các cơ sở sản xuất
1. Xử lý các nguyên liệu
Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản có thể tìm thấy ở bất cứ đâu là cơm dừa và mach nha. Gạo nếp được dùng để chế biến mạch nha phải chọn loại nếp tốt, hạt to và chín đều mới cho thành phẩm chất lượng ngọt và thơm.
Dừa được chọn làm kẹo phải là loại có vỏ ngoài màu da bò hoặc màu vàng rơm, không quá khô cũng không quá non, cơm dừa phải dày, có độ béo cao, màu trắng đặc biệt chú ý dừa không được lên mọng dừa hay bị “trăng ăn”. Những quả dừa như vậy chứa lượng tinh dầu cao để cho ra nước cốt dừa chất lượng nhất. Nếu chọn những quả dừa ngon, kẹo sẽ có hương vị béo ngậy.
2. Lột bỏ vỏ, lấy cơm dừa, xay nhuyễn, ép lấy nước cốt
Người ta đem dừa lột vỏ, lấy cùi dừa và cho vào máy xay nhuyễn. Phần cùi dừa đã nhuyễn này sẽ được cho vào một chiếc bao rồi dùng máy ép lấy nước cốt dừa.
3. Phối trộn nguyên liệu
Nước cốt dừa sau khi ép ra có thể cho thêm nguyên liệu phụ vào như: sầu riêng, lá dứa, sôcôla, dâu và không thể thiếu nguyên liệu mạch nha.
Mục đích của quá trình thêm các phụ liệu khác nhau là tạo ra nhiều hương vị phong phú cho kẹo dừa.
4. Sên kẹo
Cho tất cả nguyên liệu đã được phối trộn vào một cái chảo rồi cho lên bếp, khuấy liên tục đều tay để hỗn hợp không bị khét. Ngày xưa, người dân Nam Bộ thường dùng tay khuấy liên tục hỗn hợp kẹo bên bếp lửa nóng.
Nếu không khuấy, phần hỗn hợp nước cốt dừa khi sên sẽ đặc lại và gây nên hiện tượng chết cứng kẹo khi không được trở đều tay. Ngày nay với sự phát triển công nghệ, máy móc đã hỗ trợ trong khâu này nên đỡ mất sức hơn. Lửa sên kẹo luôn phải được giữ ở mức lửa phù hợp vì khi lửa lớn kẹo sên sẽ khó khăn còn khi lửa nhỏ kẹo sẽ rất lỏng.
5. Đổ khuôn, để nguội kẹo
Sau khi phần hỗn hợp nước cốt cô đặc và chuyển sang màu nâu, người ta sẽ cho lên giàn khuôn đã được bôi trơn một lớp dầu dừa để chống dính. Để kẹo ngoài không khí cho nguội bớt, khối kẹo phải được làm nguội nhanh chóng và đúng cách ngay sau khi sên.
6. Cắt khối kẹo thành những viên nhỏ
Khối kẹo sau khi nguội, dùng máy cắt ra làm nhiều viên kẹo theo kích thước định sẵn. Ở khâu này, người làm kẹo có thể phối trộn hoặc cho thêm nguyên liệu lần cuối để tạo ra những viên kẹo nhiều mùi vị khác nhau như : đậu phộng giã nhuyễn, kẹo dừa lá dứa, kẹo dừa sầu riêng, kẹo sữa, kẹo socola,…Tiếp đó quết lên kẹo một lớp mỏng chất béo – sáp không thấm nước bảo vệ kẹo tránh tác dụng của độ ẩm xung quanh, đồng thời có tác dụng tăng vẻ bóng đẹp cho viên kẹo dừa.
7. Gói kẹo bằng bánh tráng
Sau đó người ta gói kẹo trong một lớp bánh tráng mỏng ở phía bên ngoài. Bánh tráng này có thể ăn được, giúp người sử dụng không bị dính tay khi ăn và có tác dụng hút ẩm cho kẹo dừa bên trong.
8. Đóng gói thành phẩm
Gói kẹo bằng giấy ở ngoài cùng và cho vào hộp là hoàn tất công đoạn làm kẹo dừa. Hiện nay có nhiều máy móc hỗ trợ quá trình này giúp các cơ sở sản xuất đóng gói nhanh hơn, chính xác và sạch sẽ hơn.
Từ nguồn nguyên liệu phong phú có sẵn ở địa phương thêm vào đó là sự khéo léo sáng tạo của người nghệ nhân xứ dừa đã tạo nên một đặc sản mang đậm hương vị dân gian Nam Bộ. Nhờ vào đó làm tăng thêm nhiều lần giá trị trái dừa, giá trị lao động sáng tạo và giá trị dân tộc Việt.
Cách làm kẹo dừa đơn giản ngay căn bếp của bạn
Còn gì đặc sắc bằng nhấp một miếng trà cắn thêm một viên kẹo dừa ngọt dịu. Viên kẹo dừa dẻo dẻo khi cắn vào như tan chảy trong miệng béo ngậy của dừa cùng với mùi thơm từ những hương liệu thêm vào gây ấn tượng cho người thưởng thức. Nhiều người khi nếm thử không thể nào quên được hương vị này. Thật dễ dàng để làm kẹo dừa thơm ngon chỉ với vài nguyên liệu có sẵn trong căn bếp của gia đình bạn.Cách làm kẹo dừa đơn giản tại nhà chỉ với vài bước sau:
Cách làm kẹo dừa đơn giản tại nhà
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 220ml Nước cốt dừa
- 60g đường cát trắng
- 40g mạch nha
- 1 thìa muối trắng
- 10g Bơ lạc (hoặc dầu dừa)
- 1 tờ giấy nến
- 1 cái khuôn
Quy trình thực hiện
- Bước 1: Chuẩn bị khuôn lót giấy nến trên khuôn sao cho dàn trải khắp khuôn để kẹo không dính vào khuôn.
- Bước 2: Đun hỗn hợp nước cốt dừa, đường, mạch nha và muối với lửa nhỏ nhất. Đun trên lửa nhỏ và đảo đều liên tục khoản 30 phút. Lưu ý nên chọn chảo chống dính hoặc nồi dày; đảo liên tục hỗn hợp để kẹo không bị khét.
- Bước 3: Sau khi đun được khoảng 30 phút kẹo sệt lại cho bơ vào và tiếp tục khuấy đều trên lửa nhỏ thêm khoảng 10 phút.
- Bước 4: Khuấy đều đến khi kẹo đặc lại có thể dễ dàng gom lại thành khối thì tắt bếp và đổ kẹo vào khuôn đã chuẩn bị ở bước 1.
- Bước 5: Chờ khi kẹo vừa nguội vẫn còn giữ ấm thì dùng deo theo thêm ít dầu cắt kẹo thành từng viên vừa ăn và quấn trong giấy nến hoặc giấy bóng kín. Kẹo lúc này có thể ăn ngay ngay hoặc bảo quản nơi khô ráo để dùng lâu ngày. Kẹo dừa thành phẩm được bảo đúng cách có thể giữ được 15-20 ngày, bạn nên để kẹo ở nơi khô ráo thoáng mát và tránh sinh vật.
Kết bài
Kẹo dừa là món quà đặc sắc của xứ dừa, ngày nay kẹo dừa không chỉ nức tiếng trong nước mà còn vang danh quốc tế. Kẹo dừa Bến Tre bây giờ đã có mặt ở nhiều thị trường trong cả nước và còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Nhiều cơ sở sản xuất kẹo đã khẳng định được thương hiệu và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khách hàng.
Hy vọng kẹo dừa Việt Nam tiếp tục vươn xa và chinh phục nhiều hơn nữa những thực khách phương xa. Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về kẹo dừa và cách làm ra những viên kẹo ngọt ngào này.