Trà Thái Nguyên: Nguồn Gốc Trà Tân Cương

ĐẶC SẢN TRÀ THÁI NGUYÊN

Trà Thái Nguyên là tên gọi chung của dòng trà xanh đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Thái Nguyên là một tỉnh vùng núi trung du nằm ở phía Bắc của thủ đô Hà Nội.

Trong số các loại trà làm từ cây trà thì người Việt Nam thích uống nhất là trà xanh. Đặc biệt là trà xanh đậm vị. Thế nên dòng trà xanh đặc sản của Thái Nguyên rất được ưa chuộng. Vì hương vị của dòng trà này không chỉ đậm đà. Mà còn ngọt hậu.

Khác với mô hình trồng trà theo kiểu nông trường lớn như các tỉnh khác. Mô hình trồng trà ở Thái Nguyên chủ yếu theo hình thức hộ gia đình. Tức là mỗi gia đình có khoảng vài bãi trà lớn nhỏ. Nhà ít thì vài nghìn mét vuông trà. Còn nhà nhiều thì có thể có vườn trà lớn rộng vài chục nghìn mét vuông.

Chính vì quy mô nhỏ như vậy nên phương thức trồng cũng như chế biến trà ở Thái Nguyên vẫn theo hơi hướng thuần thủ công truyền thống. Trà vẫn được thu hoạch và chế biến chủ yếu là bằng tay. Tất nhiên là với sự hỗ trợ phần nào của máy móc.

NGUỒN GỐC VÙNG TRÀ TÂN CƯƠNG

Tân Cương là nơi đầu tiên trồng trà ở Thái Nguyên. Và cho đến tận ngày nay thì Tân Cương vẫn là vùng trà nổi tiếng nhất. Thế nên lịch sử của cây trà Tân Cương cũng chính là lịch sử của cả vùng trà Thái Nguyên.

Câu chuyện về cây trà Thái Nguyên bắt đầu trong giai đoạn Pháp Thuộc. Vào giai đoạn này thì người Pháp rất muốn mở rộng quy mô trồng trà ở Việt Nam. Vì vào thời gian này thì trà là một dạng thương phẩm có giá trị cao. Vì nhu cầu tiêu thụ trà ở Châu Âu rất lớn.

Ở phía Bắc thì người Pháp chọn Phú Thọ là nơi đặt nông trường trà đầu tiên. Còn mở miền Nam thì Đà Lạt cũng được chọn làm nơi sản xuất trà chính.

Một Trạm nghiên cứu cũng được thành lập ở Phú Thọ. Mục đích của việc trạm nghiên cứu này là để nghiên cứu canh tác trà cũng như các loại cây công nghiệp khác.

Bản đồ vẽ Bắc Kỳ vào thời Pháp Thuộc.

Vào đầu những năm 1920s thì một người đến từ Thái Nguyên tên là Vũ Văn Hiệt đã ghé Trạm nghiên cứu để xin cây trà giống về trồng tại xã Tân Cương. Và đây chính là những cây trà được trồng đầu tiên ở Thái Nguyên.

Ông Hiệt đi lính cho Pháp trong Thế Chiến lần thứ nhất. Do có nghề mộc nên ông được phục vụ trong xưởng đóng máy bay ở Pháp. Khi chiến tranh kết thúc thì ông được về nước. Rồi cấp kinh phí lên Tân Cương để sinh sống.

Nhận thấy cây trà là một loại cây có giá trị cao. Cây trà lại hợp khi trồng ở khu vực đồi thấp. Mà trong xã lại có nhiều đồi thấp. Nên ông Hiệt mới thử xin cây trà giống để mang về trồng.

Xem thêm:  Miến Dong Là Gì? Có Tốt Hơn Miến Thường?

Cây trà ông mang về không chỉ hợp thổ nhưỡng địa phương. Mà chất lượng trà thành phẩm rất cao. Lá trà được chế biến thành trà xanh để phục vụ thị trường trong nước. Trà của ông Hiệt được phân phối khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Không chỉ nổi tiếng trong nước mà thương lái nước ngoài cũng nhập trà của ông.

Những người dân trong vùng thấy vậy cũng học theo cách trồng và chế biến trà xanh. Tạo nên một vùng trà Tân Cương Thái Nguyên danh tiếng. Không chỉ Tân Cương, mà các xã huyện khác của Thái Nguyên cũng bắt đầu trồng trà. Vậy nên dòng trà Thái Nguyên được nhiều người biết đến.

Có một giai đoạn từ năm 1965 đến 1997, khi mà Thái Nguyên và Bắc Kạn hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái. Thì các loại trà từ Thái Nguyên được gọi là Trà Bắc Thái hay ngắn gọn là Trà Bắc. Chính vì vậy nên cái tên Trà Bắc Thái hay Trà Thái Nguyên là cùng chỉ một loại trà.

CÁCH CHẾ BIẾN TRÀ XANH THÁI NGUYÊN

Trà Thái Nguyên được chế biến theo phương thức sản xuất trà xanh. Trà xanh là một dạng trà khô thành phẩm từ lá trà xanh tươi. Do không lên men nên hương vị của trà xanh khô cũng gần giống như là lá trà tươi.

Tuy nhiên, trà xanh như trà xanh Thái Nguyên không chỉ đơn giản là phơi khô. Mà phải chế biến rất cầu kỳ để có thể tôn lên hương vị thơm ngon của chất trà. Đồng thời giúp cho vị trà ngọt béo và dễ uống nhất có thể.

Sau đây là các công đoạn chế biến thành phẩm Trà Thái Nguyên:

1. Thu hái

Lá trà tươi được thu hái hoàn toàn bằng tay. Đây là giai đoạn mà phẩm trà được phân loại ngay từ lúc hái. Để làm trà thành phẩm cao cấp thì trà sẽ được hái theo phương pháp “một tôm, hai lá”. Tức là búp non nhất và hai lá non kế tiếp sẽ được thu hái. Thành phẩm thường sẽ là Trà Móc Câu.

Hoặc người làm trà có thể hái non hơn. Như hái “một tôm, một lá” để làm thành Trà Nõn Tôm. Hay chỉ hái duy nhất mỗi phần “tôm” hay búp trà non nhất để làm thành Trà Đinh.

2. Làm héo

Lá trà sau khi hái sẽ được rải đều lên những chiếc nia lớn bằng tre. Trà sau đó được để nơi thoáng mát để lá trà tự héo đi. Mục đích của công đoạn này là khiến cho lá trà bị mất nước. Nhờ vậy mà thời gian xao sẽ được rút ngắn.

Đồng thời khi làm héo thì lá trà tươi cũng sẽ dai hơn. Nên khi chế biến thì lá trà sẽ đỡ bị rách và giữ được nguyên vẹn.

3. Diệt men

Lá trà sau khi làm héo được xao trên chảo ở nhiệt độ cao. Vì trong lá trà có các thành phần enzyme hay còn gọi là “men”. Thành phần enzyme này là chất xúc tác giúp cho oxy trong không khí có thể chuyển hoá lá trà.

Để lá trà giữ nguyên được tính chất của lá trà tươi thì các thành phần enzyme này phải bị loại bỏ. Công đoạn này gọi là “diêt men”. Chỉ cần xao trà trên 95 độ C trong một khoảng thời gian nhất định thì các enzyme này sẽ bị biến mất hoàn toàn.

Xem thêm:  Hành Tăm (Củ Nén): Gia Vị Lạ Của Ẩm Thực Miền Trung

4. Vò

Mục đích của công đoạn “diêt men” là giúp bảo toàn tính chất tươi của lá trà. Thì công đoạn vò là công đoạn giúp định hình lá trà. và tạo hương vị cho trà.

Lúc này lá trà lại được rải đều lên nia bằng tre. Người làm trà sẽ dùng tay miết lá trà lên bề mặt nia. Lúc này thành biểu bì của lá trà sẽ bị rách khiến cho chất trà ứa ra ngoài. Nhờ vậy mà khi pha thì chất trà sẽ dễ tan vào nước hơn.

Chất trà sau khi khô hơi có màu bạc trắng như mốc. Vậy nên công đoạn còn được gọi là “đánh mốc”.

Đây còn là khâu định hình lá trà. Khi vò thì lá trà sẽ cuộn tròn lại. Nhờ vậy mà trà thành phẩm sẽ gọn gàng hơn. Giúp tiện lợi để đóng gói và giúp trà bảo quản được lâu hơn.

5. Xao khô

Lá trà lại được cho lên chảo để xao khô thành phẩm. Trà thành phẩm sẽ xoăn và cong lại như hình móc câu.

CÁC LOẠI TRÀ THÁI NGUYÊN NGON

Sau đây là tên gọi của một số dòng trà Thái Nguyên phổ biến:

1. Trà Móc Câu

Trà Móc Câu Thái Nguyên là một dòng trà đặc sản của vùng trà Tân Cương. Loại trà này được làm từ những lá trà non nhất của cây trà. Người dân sẽ hái trà theo phương pháp “một tôm, hái lá”. Tức là búp trà non nhất cùng với hai lá non kế tiếp sẽ được thu hái.

Khi chế biến thì lá trà sẽ được vò sao cho cánh trà cuộn tròn và cong lại. Khi trà thành phẩm thì cánh trà khô sẽ nhỏ và mỏng như móc câu cá.

2. Trà Nõn Tôm

Về cơ bản thì trà nõn tôm chính là Trà Móc Câu. Nhưng khác ở chỗ là trà nõn tôm được thu hái theo phương pháp “một tôm, một lá”. Tức là búp trà non nhất (tôm) và lá non kế tiếp (nõn) sẽ được hái.

3. Trà Đinh

Trà đinh là phân hạng cao nhất của dòng trà Thái Nguyên. Chỉ có búp trà non nhất của cây trà. Do búp trà tươi thẳng và nhọn như cây đinh nên được gọi là trà đinh. Hay trà “một tôm”.

CÁC VÙNG TRÀ Ở THÁI NGUYÊN

1. Trà Tân Cương Thái Nguyên

Trà Tân Cương Thái Nguyên hay Chè Tân Cương Thái Nguyên sẽ là dòng chữ bạn thấy nhiều nhất trên các bao bì trà Thái Nguyên. Vì xã Tân Cương cũng chính là vùng trà nổi tiếng nhất của Thái Nguyên.

Trà Tân Cương không chỉ nổi nhất. Mà cũng được xem là có chất lượng tốt nhất Thái Nguyên. Nếu gu của bạn thích uống thiên về ngọt và ngậy béo. Thì trà xanh Tân Cương chính là sự lựa chọn tuyệt vời.

2. Trà La Bằng Thái Nguyên

Ở Thái Nguyên có một nơi có sản lượng trà lớn nhất tỉnh đó là huyện Đại Từ. Trong Đại Từ có một số vùng trà ngon. Nhưng ngon nhất phải kể đến xã La Bằng.

Do một nửa diện tích của xã là nằm ở chân dãy núi Tam Đảo. Thế nên phần lớn các vườn trà của La Bằng đều được trồng ở các đồi cao ở chân núi. Trà được tưới bằng nước suối chảy từ trên núi xuống.

Xem thêm:  Trà Tân Cương Thái Nguyên: 5 Điều Nên Biết

Nếu gu trà xanh của bạn là thích vị tươi xanh và đậm đà nhiều. Thì các loại trà xanh La Bằng sẽ là lựa chọn thích hợp.

3. Trà Trại Cài Thái Nguyên

Bên cạnh huyện Đại Từ thì Đồng Hỷ cũng là huyện có một số vùng trà ngon. Nổi tiếng nhất huyện này chính là vùng trà Trại Cài. Vùng trà này được hưởng phù sa của Sông Cầu nên trà cũng có chất lượng rất tốt.

4. Trà Khe Cốc Thái Nguyên

Trà Khe Cốc là một vùng trà nằm ở xã Tức Tranh, thuộc huyện Phú Lương. Đất ở Phú Lương rất màu mỡ. Nên nơi đây có 2 loại đặc sản nổi tiếng là nếp vải và trà.

Trà Khe Cốc cũng thơm bùi tự nhiên như mùi nếp nếp. Trà cũng rất đượm vị. Thích hợp cho người có gu đậm.

CÁCH PHA TRÀ THÁI NGUYÊN NGON

  1. TRÁNG ẤM CHÉN: cho nước sôi vào đầy ấm. Để như vậy khoảng 1 phút thì rót nước vào các chén uống trà. Sau đó đổ phần nước này đi.
  2. CHO TRÀ VÀO ẤM: dùng khoảng 10g trà cho ấm có dung tích khoảng 350 đến 400ml. Định lượng này không phải tuyệt đối. Bạn có thể dùng bao nhiêu gram trà đều được. Miễn hợp gu là không bao giờ sai. Ở bước này thì có thể lắc nhẹ lá trà rồi ngửi miệng ấm để cảm nhận hương lá trà khô.
  3. TRÁNG TRÀ: cho một ít nước và ấm sao cho vừa đủ ngập lá trà. Đợi tầm vài giây thì đổ nước tráng này đi. Công đoạn tráng trà giúp chúng ta đạt được 2 mục đích. Thứ nhất là để lá trà ngấu nước trước khi pha. Nhờ vậy mà khi pha thì chất trà sẽ ra đều hơn. Còn mục đích thứ hai đó chính là giúp cho nước trà trong hơn.
  4. HÃM TRÀ: sau khi tráng thì bạn có thể để trà “nghỉ” tầm 1 phút để trà ngấu nước hơn. Sau đó rót đầy nước sôi và ấm để hãm trà (hay ủ trà). Nếu tráng trà và để trà “nghỉ” đủ thời gian. Thì chất trà sẽ ra rất nhanh. Nên ở bước này thì chúng ta chỉ cần hãm 2-3 phút là trà đã đậm đà lắm rồi. Nếu muốn vị trà nhẹ hay đậm hơn thì bạn chỉ cần điều chỉnh thời gian ngắn hay dài hơn là được.
  5. RÓT TRÀ: rót trà ra ly rồi thưởng thức. Nếu có thể thì bạn nên sắm cho mình một trà cụ gọi là chén tống. Chén tống (hay chén tướng) là một tách trà lớn có quai. Mục đích của chén tống là để đựng nước trà rót từ ấm. Rồi từ chén tống chia đều ra cho các chén nhỏ (chén quân) nhỏ hơn. Thường thì khi pha trà trong ấm thì chất trà nặng hơn nên hay chìm ở phía bên dưới. Nên nếu rót ra chén tống trước thì chất trà sẽ tự trộn đều. Khi rót ra tách thì tách nào cũng đều nhau. (Lưu ý là dung tích chén tống nên lớn hơn dung tích ấm trà).
  6. HÃM NƯỚC TIẾP THEO: tiếp tục rót nước vào đầy ấm. Lần này thì thời gian hãm nên kéo dài hơn nước đầu tiên khoảng 1 phút hoặc hơn. Rồi các lượt hãm kế tiếp thì chúng ta cứ cộng thêm thời gian hãm. Uống cho đến khi nào nhạt trà thì thôi.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *