trà phổ nhĩ

Trà Phổ Nhĩ: Loại Trà Để Càng Cũ Thì Càng Ngon

Bạn có biết là trong thế giới trà cũng có một loại trà càng để lâu càng ngon giống như rượu vang vậy. Và loại trà đó có tên là Trà Phổ Nhĩ.

Trong bài viết này này, mình sẽ giới thiệu những thứ cơ bản nhất về Trà Phổ Nhĩ. Đầu tiên là lịch sử ra đời của loại trà này. Rồi mình sẽ nói sơ về phân loại trà, cách pha và tác dụng cho sức khoẻ của trà Phổ Nhĩ.

NGUỒN GỐC TRÀ PHỔ NHĨ

Trà Phổ Nhĩ có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là nơi có lượng cây trà cổ thụ trồng và tự nhiên lớn nhất thế giới. Cái tên Phổ Nhĩ bắt nguồn từ tên một thị trấn giao thương chính của Vân Nam khi xưa. Hiện nay là thành phố Phổ Nhĩ thuộc tỉnh Vân Nam.

Trà Phổ  từ một giống trà thân to và lá to có tên khoa học là Camellia sinensis var assamica, hay còn được gọi là Đại Diệp Trà hay Vân Nam lá to. Ở Việt Nam thì cây trà này được gọi là cây trà shan tuyết hay cây trà cổ thụ. Vì búp trà của giống trà này có màu trắng như tuyết. Cây trà chỉ sinh trưởng vùng núi cao, và từ shan ở đây có nghĩa là núi cao. Những cây trà này có thể sống đến hàng trăm năm nên còn được gọi là cây trà cổ thụ.

Nhóm trà Phổ Nhĩ được tin là ra đời từ thời Đông Hán (23 – 220). Tức là lịch sử của loại trà này đã kéo dài khoảng 2.000 năm qua. Đến khoảng thế kỷ thứ 6 thì Trà Phổ Nhĩ là một món hàng không thể thiếu của Trà Mã Đạo. Con đường mang trà từ Vân Nam để đổi lấy ngựa của Tây Tạng. Trà Mã Đạo còn được xem là Con Đường Tơ Lụa ở phía Nam vì hệ thống đường xá trao dổi hàng hoá dài và phức tạp.

Xem thêm:  Trà Tân Cương Thái Nguyên: 5 Điều Nên Biết

PHÂN LOẠI: TRÀ PHỔ NHĨ SỐNG VÀ TRÀ PHỔ NHĨ CHÍN

Có hai loại trà Phổ Nhĩ chính, đó là: Trà Phổ Nhĩ Sống và Trà Phổ Nhĩ Chín. Mỗi loại được chế biến theo một cách khác nhau. Và hương vị cũng như tính chất của 2 loại cũng hoàn toàn khác nhau.

  • Trà Phổ Nhĩ Sống: lá trà sau khi thu hái sẽ được làm héo, diệt men, vò và phơi khô. Sau khi phơi khô thì chúng ta có một loại trà bán thành phẩm tên là “mao trà”. Người làm trà sẽ chọn lựa những cánh trà đẹp nhất từ mao trà để mang đi ép bánh. Và trà sau khi ép bánh được gọi là Trà Phổ Nhĩ Sống. Trà Phổ Nhĩ Sống có thể dùng ngay. Hoặc là là trữ từ vài năm cho đến vài thập kỷ để bánh trà lên men tự nhiên. Sau vài thập kỷ thì bánh trà này được gọi là Trà Phổ Nhĩ Lâu Năm. Và loại trà này rất có giá trị.
  • Trà Phổ Nhĩ Chín: Thay vì đợi hàng thập kỷ để có Trà Phổ Nhĩ Lâu Năm. Thì những người làm trà đã nghĩ ra một cách cách để trà lên men nhanh hơn. Lá trà sẽ được lên men “cấp tốc” trong vòng 45 ngày. Cách làm trà này được phát mình vào năm 1973 và trà thành phẩm từ quá trình này được gọi là Trà Phổ Nhĩ Chín. Mặc dù có hương vị và tính chất gần giống với Trà Phổ Nhĩ Lâu Năm. Nhưng Trà Phổ Nhĩ Chín vẫn không có giá trị bằng.

CÁCH PHA TRÀ PHỔ NHĨ

Sau đây là một số bước pha trà Phổ Nhĩ cơ bản. Bạn có thể tạm tham khảo và học theo. Thế nhưng bạn cần nên thay đổi cách pha sao cho phù hợp với của gu của bạn nhất.

Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách pha trà theo kiểu Công Phu Trà. Nói nôm na Công Phu Trà là cách pha dùng ấm nhỏ và thời gian hãm trà ngắn. Nếu muốn pha theo kiểu Việt Nam thì mình cũng sẽ có một hướng dẫn ngắn ở bên dưới.

Xem thêm:  Lá Trà Xanh Tươi: 10 Tác Dụng & Cách Nấu

  1. TÁCH TRÀ: dùng dụng cụ tách bánh trà để tách rời lá trà ra khỏi bánh. Bạn nên tách trước những lá ở mặt ngoài trước vì những lá này thường sẽ lên men nhiều. Phần lá bên trong thường sẽ lên men chậm hơn lá bên ngoài.
  2. CÂN TRÀ: đói với pha trà Phổ Nhĩ thì không nên ước lượng trà bằng mắt. Mà bạn nên dùng cân tiểu ly để cân trà cho chính xác. Vì tuỳ theo cách nén mà mỗi bánh trà sẽ được ép chặt nhiều hay ít. Thế nên canh bằng mắt sẽ rất dễ bị sai lượng trà.
  3. TỶ LỆ TRÀ VÀ ẤM: cá nhân mình thì thích pha tầm 5g trà cho ấm có dung tích khoảng 120ml. Nếu muốn uống đậm hay nhạt thì bạn có thể gia giảm theo ý muốn.
  4. NƯỚC PHA TRÀ: dùng nước pha trà từ 95 đến 100 độ C. Lá trà Phổ Nhĩ có lớp biểu bì và phần “thịt” dày nên cần phải pha trà ở nhiệt độ cao để có thể chiết được chất trà.
  5. LÀM NÓNG ẤM: cho nước sôi vào đầy 1/2 ấm hoặc đầy ấm để làm nóng ấm. Sau khoảng 30s thì đổ nước này đi. Ấm nên dùng là ấm sứ hoặc ấm tử sa để có thể giữ nhiệt lâu và ổn định.
  6. TRÁNG TRÀ: cho trà vào ấm. Cho một ít nước sôi vào vừa đủ ngập lá trà. Hãm trà tầm 10s rồi đổ nước này đi để “tráng trà”. Mục đích chính của công đoạn này là làm cho lá trà khô ngấu nước đều nhất có thể. Nhờ vậy mà khi pha thì trà sẽ ra chất đều hơn.
  7. HÃM TRÀ: đổ nước đầy ấm. Hãm trà trong khoảng 20s là có thể rót trà ra dùng được rồi. Bạn nên sử dụng một công cụ chứa nước trà được gọi là “tống”. Chén tống hay chén tướng là dạng tách trà cỡ lớn. Nhiệm vụ của tống là để đựng nước trà rót ra từ ấm. Từ chén tống thì chúng ta lại rót ra những chén nhỏ hơn hay còn là chén quân (hình tượng là tướng với quân lính).
  8. THƯỞNG TRÀ: nên uống trà khi chén trà nguội vừa đủ để không bị bỏng. Nếu để chén trà nguội quá thì bạn sẽ khó cảm nhận được hương trà. Vì hương trà là thành phần dễ bay hơi, không đủ nhiệt độ thì hương trà sẽ không toả ra được. Sau khi uống xong thì bạn có thể cảm nhận hương trà thêm một lần nữa bằng cách thở ra bằng đường mũi. Lúc này chúng ta có thể cảm nhận hương trà bằng “mũi sau”. Trà Phổ Nhĩ ngon sẽ có hương vị thơm khi ngửi từ mũi trước lẫn mũi sau. Trà ngon khi uống vào sẽ có vị đặc trưng, uống xong còn nhiều dư vị ở trong lưỡi. Ngồi một chút sẽ thấy “hậu ngọt”. Tinh phần sẽ hưng phấn vì trà tốt sẽ có “trà khí”.
  9. HÃM TRÀ LẦN TIẾP THEO: sau khi thưởng thức nước một thì bạn lại cho tiếp nước sôi vào đầy ấm để hãm nước hai. Lần này bạn cần nên hãm dài hơn 10s so với nước đầu. Tức là khoảng 30s. Rồi những nước sau cứ hãm là cộng thêm 10s là được. Hãm đến khi nhạt trà rồi thôi. Lưu ý là đây chỉ là gợi ý. Bạn có thể thay đổi thời gian sao cho hợp gu là được.
Xem thêm:  Chuối Ngự - Giống Chuối Ngon Tiến Vua

Cách pha trà Phổ Nhĩ Kiểu Việt Nam:

Đối với cách pha này thì cách pha cũng sẽ y như cách ở trên. Thay dổi một chút là chúng ta có thể dùng tỷ lệ gợi ý là 10g trà cho ấm có dung tích khoảng 300ml. Các bước làm nóng ấm rồi tráng trà cũng y như vậy. Chỉ khác là thời gian hãm là khoảng 2-3 phút. Nước sau thì hãm dài hơn 1 phút là được.

TÁC DỤNG CỦA TRÀ PHỔ NHĨ

Trà Phổ Nhĩ có những lợi ích cho sức khoẻ như sau:

  • Hỗ trợ tiêu hóa và giảm đầy hơi và khó tiêu (Trà Phổ Nhĩ Chín)
  • Thúc đẩy giảm cân và tăng cường trao đổi chất (Trà Phổ Nhĩ Sống & Chín)
  • Giảm mức cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch (Trà Phổ Nhĩ Sống)
  • Tăng cường sự tỉnh táo và tập trung (Trà Phổ Nhĩ Sống & Chín)

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *